Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Điều lệ Hội LHTN Việt Nam (Sửa đổi tại ĐH Hội LHTN VN lần thứ VI)

Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội LHTN Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. 

Biểu trưng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Hội LHTN Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn thanh niên Dân chủ thế giới.

Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Hội LHTN Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: Đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên đóng góp xứng đáng cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Bước vào thời kỳ mới, Hội LHTN Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tài năng và sức trẻ của thanh niên, đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì hạnh phúc và sự tiến bộ của thanh niên. Hội LHTN Việt Nam đoàn kết, phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác bình đẳng với các tổ chức thanh niên tiến bộ, thanh niên và nhân dân các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì tương lai và hạnh phúc của tuổi trẻ.

CHƯƠNG I
Tên Hội, mục đích, chức năng 
và nhiệm vụ của Hội

            Điều 1:
- Tên Hội: Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam.
- Trụ sở của Hội LHTN Việt Nam đặt tại Thủ đô Hà Nội.
- Hội LHTN Việt Nam có biểu trưng và huy hiệu.
- Bài ca chính thức của Hội LHTN Việt Nam: Lên Đàng.
Nhạc: Lưu Hữu Phước.
Lời: Huỳnh Văn Tiểng.
- Ngày truyền thống của Hội LHTN Việt Nam: ngày 15 tháng 10.
- Hội có đồng phục và nghi thức do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội hướng dẫn.


            Điều 2: Hội LHTN Việt Nam có mục đích
Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước cùng phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Điều 3: Hội LHTN Việt Nam có chức năng
1- Đoàn kết, tập hợp, giáo dục mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam. Hướng dẫn và hỗ trợ để hội viên hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt, cống hiến tài năng và sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, thanh niên và tổ chức thành viên trước pháp luật và công luận.


Điều 4: 
Hội LHTN Việt Nam có nhiệm vụ

1- Khuyến khích và tổ chức cho hội viên, thanh niên tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và các hoạt động ích nước, lợi nhà, hướng thiện.

2- Tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần giải quyết và đáp ứng những nhu cầu, quyền lợi hợp pháp của hội viên, thanh niên.
3- Đề xuất và kiến nghị kịp thời với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội cùng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, thanh niên và các tổ chức thành viên tập thể của Hội.
4- Đoàn kết, hợp tác với các tổ chức thanh niên trong khu vực và trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc và tiến bộ của tuổi trẻ.
5- Thường xuyên chăm lo xây dựng Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, tích cực tham gia xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.


CHƯƠNG II 
Hội viên

Điều 5: Hội viên
- Công dân Việt Nam từ 16 đến 30 tuổi tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội thì được xét công nhận là hội viên Hội LHTN Việt Nam.
- Những người quá 30 tuổi có nguyện vọng và ảnh hưởng tích cực đến hoạt động Hội thì được tham gia hoạt động trong tổ chức Hội.
- Độ tuổi của hội viên các Hội thành viên tập thể được quy định cụ thể theo Điều lệ của các Hội thành viên. 


Điều 6: Hội viên có quyền
1- Tham gia các hoạt động của Hội.
2- Tham gia, giới thiệu đại biểu của mình vào các cơ quan lãnh đạo của Hội.
3- Đề xuất, thảo luận, biểu quyết và giám sát công việc của Hội.
4- Đề nghị Hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước pháp luật và trước công luận.
5- Được rút tên khỏi Hội khi không có điều kiện sinh hoạt, hoạt động trong tổ chức Hội. 


Điều 7: Hội viên có nhiệm vụ
           1- Chấp hành Điều lệ Hội, tích cực tham gia các hoạt động của Hội, tuyên truyền mở rộng ảnh hưởng của Hội, vận động, giúp đỡ và giới thiệu thanh niên vào Hội.
2- Bảo vệ và nâng cao uy tín của Hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để cùng phấn đấu thực hiện mục đích của tổ chức Hội. 
3- Tích cực học tập, rèn luyện, vươn lên lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.
4- Xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc.


Điều 8: Hội viên danh dự
 
Hội LHTN Việt Nam công nhận các nhà hoạt động chính trị, xã hội, giáo dục, văn hoá, văn nghệ; các nhà khoa học, các doanh nhân, các nhà hảo tâm tự nguyện ủng hộ về tinh thần, vật chất cho Hội và các hoạt động của Hội là "Hội viên danh dự".

CHƯƠNG III 
Thành viên tập thể của Hội

           Điều 9: Thành viên tập thể của Hội
           1- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội các nhà Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các Hội thành viên khác là thành viên tập thể của Hội; các tổ chức thanh niên theo ngành nghề, sở thích; các đội hình thanh niên xung phong; các tổ chức thanh niên Việt Nam đang học tập, lao động công tác ở nước ngoài tuân thủ theo Pháp luật nước sở tại và nước cộng hoà XHCN Việt Nam, nếu tán thành Điều lệ Hội thì được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội xét công nhận là thành viên tập thể của Hội.
2- Quan hệ giữa các thành viên của Hội là quan hệ hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động vì mục tiêu chung. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là thành viên tập thể giữ vai trò nòng cốt, định hướng chính trị trong tổ chức và hoạt động của Hội.


Điều 10: Thành viên tập thể có quyền
            1- Thảo luận, đề nghị các vấn đề về hoạt động của Uỷ ban Hội các cấp.
2- Giới thiệu đại diện của mình vào Uỷ ban Hội các cấp.
3- Yêu cầu Hội tổ chức phối hợp hoạt động với thành viên khác theo sáng kiến của mình vì mục tiêu chung.


Điều 11: Thành viên tập thể có nhiệm vụ

1- Thực hiện Điều lệ Hội và các quyết định, các chương trình hoạt động đã thống nhất.
2- Tổ chức và đôn đốc hội viên, đoàn viên của tổ chức mình tham gia các hoạt động của Hội, thực hiện nhiệm vụ hội viên.
3- Đóng góp tài chính, ủng hộ về vật chất, tinh thần cho Hội.



CHƯƠNG IV 
Nguyên tắc và cơ cấu 
Tổ chức của Hội
 
            Điều 12: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội
Hội LHTN Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc:
- Tự nguyện, tự quản.
- Hiệp thương dân chủ.
- Đoàn kết tôn trọng lẫn nhau.
- Hợp tác bình đẳng, phối hợp và thống nhất hành động.


Điều 13: Cơ cấu tổ chức của Hội
Hội LHTN Việt Nam được tổ chức ở:

- Trung ương.
- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương.
- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
- Xã, phường, thị trấn và tương đương.
Việc thành lập, giải thể các tổ chức nói trên phải tuân thủ pháp luật hiện hành.


Điều 14: Tổ chức cơ sở Hội và hình thức tập hợp thanh niên
Tổ chức cơ sở của Hội bao gồm các chi hội, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm và các hình thức tập hợp thanh niên theo đối tượng, nghề nghiệp, sở thích chính đáng và hợp pháp của thanh niên.

Uỷ ban Hội các cấp được thành lập tổ chức cơ sở.


Điều 15: Nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức cơ sở của Hội
1- Tổ chức các hoạt động và triển khai các chương trình chung của Hội.
2- Chăm lo, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên.
3- Giúp đỡ và tạo điều kiện để hội viên, thanh niên rèn luyện, cống hiến trưởng thành.
4- Xét công nhận hội viên mới và giới thiệu hội viên tiên tiến cho Đoàn bồi dưỡng xét kết nạp.


Điều 16: Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu Hội LHTN Việt Nam ở mỗi cấp là cơ quan hiệp thương cao nhất của cấp đó, do Uỷ ban Hội cấp đó triệu tập.
1- Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu từ cấp xã và tương đương trở lên 5 năm tổ chức Đại hội hoặc Hội nghị một lần.
2- Số lượng đại biểu đi dự Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu cấp nào do Uỷ ban Hội cấp đó quyết định.
Thành phần đại biểu dự Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu bao gồm: uỷ viên Uỷ ban Hội đương nhiệm cùng cấp; đại biểu do tổ chức Hội cấp dưới và các tổ chức thành viên tập thể hiệp thương chọn cử; các cá nhân tiêu biểu hoặc các cá nhân đại diện cho các ngành, lĩnh vực do các cơ quan, đơn vị hiệp thương giới thiệu và đại biểu chỉ định. 
3- Ở cấp xã và tương đương có thể tổ chức Đại hội, Hội nghị đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên do Uỷ ban Hội nơi đó quyết định.


Điều 17: Nhiệm vụ của Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu Hội LHTN Việt Nam các cấp
1- Thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Uỷ ban Hội cùng cấp.

2- Quyết định các chủ trương, chương trình hoạt động nhiệm kỳ mới.
3- Hiệp thương cử ra Uỷ ban Hội cùng cấp.
4- Thảo luận, đóng góp vào các văn kiện và hiệp thương cử đại biểu đi dự Đại hội, Hội nghị đại biểu cấp trên (nếu có).

           Điều 18: Uỷ ban Hội là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ Đại hội ở mỗi cấp. Số lượng uỷ viên Uỷ ban Hội ở mỗi cấp do Đại hội, hoặc Hội nghị đại biểu cấp đó quyết định và hiệp thương chọn cử.
1- Giữa hai kỳ Đại hội việc rút tên, xoá tên, bổ sung uỷ viên Uỷ ban Hội của mỗi cấp do Uỷ ban Hội cấp đó thảo luận, thống nhất và đề nghị cấp trên trực tiếp công nhận. Khi cần thiết Hội cấp trên trực tiếp cho phép tăng thêm số lượng uỷ viên Uỷ ban Hội cấp dưới nhưng bảo đảm số lượng uỷ viên Uỷ ban Hội không vượt quá quy định của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội.
         2- Khi một uỷ viên Uỷ ban Hội là đại diện của tổ chức thành viên hoặc của Uỷ ban Hội cấp dưới không còn giữ nhiệm vụ trong tổ chức của mình nữa thì đương nhiên thôi tư cách uỷ viên. Tổ chức thành viên hay Uỷ ban Hội cấp đó hiệp thương cử đại biểu mới thay thế và đề nghị Uỷ ban Hội cấp trên trực tiếp công nhận.
3- Uỷ ban Hội các cấp có nhiệm vụ:

- Tổ chức thực hiện các quyết định của 
Đại hội, Hội nghị đại biểu và các chủ trương, chương trình công tác Hội.
- Điều hành công việc giữa hai kỳ Đại hội.
- Xét và công nhận Uỷ viên và các chức danh lãnh đạo, Ban Kiểm tra của Uỷ ban Hội cấp dưới trực tiếp.
- Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên.
- Kiểm tra cán bộ, hội viên, Uỷ ban Hội cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, chương trình công tác Hội và Điều lệ Hội.

Mỗi năm ít nhất Uỷ ban Trung ương Hội họp 1 lần; Uỷ ban Hội cấp tỉnh và tương đương họp 2 lần, Uỷ ban Hội cấp huyện, xã và tương đương họp 4 lần.


Điều 19: Uỷ ban Trung ương Hội có nhiệm vụ

1- Tổ chức thực hiện các chương trình do Đại hội, Hội nghị đại biểu toàn quốc đề ra và quyết định chương trình công tác hàng năm của Hội.
2- Chuẩn bị nội dung và triệu tập Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam.


Điều 20 (điều 20 và 21 cũ): các chức danh của Uỷ ban Hội các cấp
1- Uỷ ban Trung ương Hội hiệp thương cử ra Đoàn Chủ tịch gồm Chủ tịch, các phó Chủ tịch và các uỷ viên Đoàn Chủ tịch. Đoàn Chủ tịch là cơ quan điều hành công việc của Uỷ ban Trung ương Hội giữa hai kỳ họp. Đoàn Chủ tịch có Thường trực gồm Chủ tịch, các phó Chủ tịch và các uỷ viên Đoàn Chủ tịch chuyên trách thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành công việc hàng ngày của Hội.

2- Uỷ ban Hội cấp tỉnh và tương đương hiệp thương cử ra Ban thư ký gồm Chủ tịch, các phó Chủ tịch và một số uỷ viên thư ký. Ban thư ký là cơ quan điều hành công việc của Uỷ ban Hội giữa hai kỳ họp. Ban thư ký có Thường trực gồm Chủ tịch, các phó Chủ tịch chuyên trách và các uỷ viên thư ký chuyên trách thay mặt Ban thư ký điều hành công việc hàng ngày của Hội.
3- Uỷ ban Hội cấp huyện và tương đương; cấp xã và tương đương hiệp thương cử ra Chủ tịch, các Phó Chủ tịch để điều hành công việc hàng ngày của Uỷ ban Hội.
4- Các chi hội, đội nhóm, câu lạc bộ, cử ra cấp trưởng và cấp phó để điều hành công việc hàng ngày.

Điều 21 (điều 22 cũ): Quan hệ Uỷ ban Hội các cấp

Quan hệ giữa Uỷ ban Hội các cấp thực hiện theo nguyên tắc: Uỷ ban Hội cấp trên thống nhất chủ trương, chương trình hành động và hướng dẫn Uỷ ban Hội cấp dưới thực hiện; Uỷ ban Hội cấp dưới xây dựng chương trình phù hợp với chủ trương chung và báo cáo thường xuyên với Uỷ ban Hội cấp trên.

            Điều 22 (điều 23 cũ): Ban Kiểm tra của Hội
1. Ban Kiểm tra của Hội được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh, tương đương do ủy ban Hội cùng cấp hiệp thương, chọn cử trong số các ủy viên ủy ban Hội theo nhiệm kỳ của ủy ban Hội cùng cấp. Số lượng Ban Kiểm tra ở mỗi cấp do Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội quy định.
2. Tổ chức Hội cấp huyện và tương đương, cấp xã và tương đương cử ra 1 ủy viên ủy ban Hội phụ trách công tác kiểm tra.
3. Nhiệm vụ của Ban kiểm tra các cấp:
- Tham mưu cho các cấp bộ Hội kiểm tra việc thi hành Điều lệ, Nghị quyết của Hội; về việc thi hành kỷ luật của Hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, thanh niên.
- Kiểm tra công tác hội phí và việc sử dụng tài chính của ủy ban Hội cùng cấp.

CHƯƠNG V 
Khen thưởng và kỷ luật

            Điều 23 (điều 24 cũ): Khen thưởng của Hội
- Cá nhân và tổ chức có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ của Hội thì được Hội khen thưởng.
- Các hình thức khen thưởng của Hội do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội quy định.
- Uỷ ban Trung ương Hội và uỷ ban Hội cấp tỉnh và tương đương lập ra các giải thưởng cần thiết để tuyên dương, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích.


Điều 24 (điều 25 cũ): Hình thức kỷ luật của Hội

Hội viên, cán bộ và tổ chức thành viên vi phạm Điều lệ Hội thì tuỳ mức độ sẽ bị kỷ luật.
- Hình thức kỷ luật:
Đối với cán bộ: khiển trách, cảnh cáo hoặc thôi giữ chức danh trong Uỷ ban Hội, thôi công nhận là hội viên.
Đối với hội viên: khiển trách, cảnh cáo, thôi công nhận là hội viên.
Đối với tổ chức Hội và thành viên tập thể của Hội: Khiển trách, cảnh cáo, thôi công nhận là thành viên tập thể của Hội.



CHƯƠNG VI 
Tài chính của Hội

            Điều 25 (điều 26 cũ): tài chính của Hội
Nguồn tài chính của Hội bao gồm:

- Kinh phí của Nhà nước hỗ trợ.
- Hội phí do hội viên, tổ chức thành viên đóng góp.
- Các đơn vị trực thuộc đóng góp.
- Nguồn thu từ các chương trình, dự án về kinh tế - xã hội mà Hội tham gia thực hiện.
- Ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.


Điều 26 (điều 27 cũ): Các khoản chi của Hội
Các khoản chi của Hội bao gồm:

- Chi cho các hoạt động của Hội.
- Khen thưởng.
- Xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và công trình phúc lợi của Hội, mua sắm phương tiện làm việc.
Tài chính cấp nào do Uỷ ban Hội cấp đó quản lý, sử dụng theo chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước.



CHƯƠNG VII 
Chấp hành Điều lệ Hội

           Điều 27 (điều 28 cũ): Điều lệ Hội có giá trị trong cả hệ thống của Hội; mọi cán bộ, hội  viên, tổ chức Hội, thành viên tập thể của Hội phải có trách nhiệm thực hiện Điều lệ Hội LHTN Việt Nam.
- Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện Điều lệ Hội.
- Điều lệ Hội gồm phần mở đầu và ....chương,...điều do Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VI thông qua và được Bộ Nội vụ phê chuẩn./.

Nguồn gốc huy hiệu Đoàn và hình ảnh một số huy hiệu khác

Ngày ấy, nhân dịp Đại hội Thanh niên ở Việt Bắc (năm 1951) cán bộ Trung ương Đoàn các cấp muốn đoàn viên có một chiếc huy hiệu có biểu trưng riêng. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận năm đó 31 tuổi là trưởng phòng hội họa Trung ương Đoàn được giao nhiệm vụ cùng họa sĩ Tôn Đức Lượng sáng tác một số mẫu.

Nhớ lại ngày sáng tác đó họa sĩ Huỳnh Văn Thuận vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ một điều rất đơn giản và tâm huyết rằng lớp thanh niên đặc biệt là đoàn viên là những người tiên phong đi đầu cầm lá cờ đỏ sao vàng tiến lên dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng, của Đoàn. Học tập  lao động và chiến đấu vì tổ quốc thân yêu. Từ ý tưởng ấy tôi chọn bàn tay cầm ngọn cờ phần phật tung bay trong tư thế sẵn sàng tiến bước”. Thật vinh dự và thiêng liêng, sau khi phác thảo xong mẫu huy hiệu, mẫu của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã được Bác Hồ chọn chính thức là chiếc huy hiệu của Đoàn. 80 năm qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trưởng thành và phát triển. Mặc dù từng giai đoạn với những nhiệm vụ lịch sử chính trị và tên gọi khác nhau nhưng chiếc huy hiệu đoàn vẫn giữ nguyên biểu trưng biết bao thế hệ thanh niên Việt.

  Ý nghĩa của huy hiệu Đoàn đước Bác nói như sau: 
“Huy hiệu Đoàn thanh niên là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên, ý nghĩa của nó là thanh niên phải xung phong gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác, trong học tập, lao động và rèn luyện đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát”

- Cán bộ, đoàn viên đeo huy hiệu Đoàn vào các ngày lễ lớn của Đoàn, lễ kết nạp đoàn viên và các sinh hoạt, hội họp của Đoàn. 
- Huy hiệu Đoàn được treo ở ngực trái, cách cầu vai khoảng 5 - 10cm. 

 Biểu trưng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được thiết kế năm 1951

Một số hình ảnh của đoàn thể khác:

Biểu trưng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Biểu trưng chiến dịch Tình nguyện Mùa Hè Xanh 

 
 Biểu trưng Hội Sinh viên Việt Nam

Biểu trưng Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh

 Biểu trưng Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam

 Biểu trưng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Chi đoàn Khu phố 8 tổ chức đêm trung thu 2011 cho thiếu nhi

Sau nhiều ngày chuẩn bị với nhiều khó khăn, cuối cùng đêm hội trung thu vào ngày 11/9/2011 (đêm 14/8AL) của chi Đoàn khu phố 8 đã tổ chức thành công ngoài mong đợi.

Thật bất ngờ khi 6h30 mới bắt đầu chương trình thì các em thiếu nhi đã gần như tụ họp lại trụ sở số lượng lúc đó chỉ vài ba chục em. Nhưng khi chương trình bắt đầu thì gần như các bạn Đoàn viên thanh niên khu phố 8 không còn có thể quản lý được nữa số lượng gần như cả trăm em. Tổ quản lý thiếu nhi sau khi được giao nhiệm vụ liền bát tay vào công việc, phải mất hơn 15p tổ quản lý mới có thể cho các em ổn định chỗ ngồi. số lượng ghế tại trụ sở khoảng 75 cái nhưng vẫn không đủ chỗ ngồi một số em đành phải đứng.

 
Tổ quản lý sắp xếp chỗ ngồi cho các em

 Gương mặt vui vẻ của các em trước khi bước vào chương trình

      Khó khăn này chưa xong khó khăn khác lại đến khi số lương thiếu nhi quá đông thì tổ phát bánh trung thu và lồng đèn báo là đã vượt qua số lương 60 phần do chi Đoàn chuẩn bị nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chương trình bằng cách thay lồng đèn và bánh trung thu bằng bong bóng và bánh tráng ôi không thể tả khi lúc đó chi Đoàn lại có những ý định táo bạo như vậy. Đầu tiên là phần quản trò do tổ quản trò gồm 2 đồng chí phụ trách.

 Các em thiếu nhi náo nhiệt khi chơi các trò chơi

Khi kết thúc phần quản trò hết bất ngờ này đến hết bất ngờ khác khi chú Cuội và chị Hằng xuất hiện cùng với vở kịch do đội văn nghệ khu phố 8 trình bày. Bằng kỹ thuật hóa trang và diễn xuất của những diễn viên “chuyên nghiệp” này các em đã được một trận cười hả hê.

Cuối cùng phần văn nghệ kết thúc tiết mục rước đèn là một trong những thách thức với các bạn trong tổ quản lý và tổ phát quà trung thu khi số lượng thiếu nhi đông như vậy. Thật bất ngờ khi các em thiếu nhi vẫn vui mừng khi đến phần “bong bóng” và “bánh tráng” được phát cho các em  vậy là lo lắng của chi Đoàn đã được giải quyết. 

Phát quà cho các em thiếu nhi


Các đoàn viên tham gia trung thu

Thành Đạt 

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Làng đèn ông sao tất bật dịp trung thu

Bất chấp sự du nhập của đồ chơi hiện đại, chiếc đèn ông sao truyền thống vẫn được nhiều bé ưa thích trong đêm rằm. Những ngày này, các nghệ nhân ở Nam Định đang miệt mài sản xuất. 


Làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (Nam Định) từ lâu nổi tiếng với nghề làm đèn ông sao truyền thống.
Hộ bà Nguyễn Thị Hải ở xóm 3 là một trong những gia đình nối tiếp nghề do ông cha để lại từ nhiều đời.
Vào thời điểm trước dịp trung thu 2 tuần, gia đình làm không hết việc. Mỗi ngày hộ gia đình này cho ra đời hàng trăm chiếc đèn để xuất đi các tỉnh thành.
Không chỉ làm đèn, hộ nhà ông Hoàng Văn Bình còn nhập giấy bóng về nhuộm màu để cung cấp cho các gia đình quanh làng.
Làng Báo Đáp có hàng trăm gia đình làm đèn trung thu. Bắt đầu từ trước dịp trăng rằm 2 tháng, các nghệ nhân đã rục rịch khâu lắp ráp và trang trí cho đèn.
Trẻ em cũng tham gia làm việc những ngày này.
Bé Nguyễn Minh Tuấn, mới 5 tuổi nhưng đã dán trang trí cho đèn rất thành thạo.
Anh Nguyễn Văn Thanh (ảnh) cho biết thời điểm này đang phải làm việc tới 16 giờ một ngày. "Mệt nhưng phấn khởi vì hàng bán chạy", anh nói.
Em Nguyễn Đức Hùng, một học sinh lớp 9 đang làm cán tay cho đèn.
Để hoàn chỉnh một chiếc đèn trung thu phải qua nhiều công đoạn phức tạp. Tất cả đều làm bằng tay, từ vót tre, in hoa văn, cắt khung, làm xương đèn, lắp cán… mới tạo thành một chiếc đèn ông sao hoàn chỉnh. Giá bán tại đây từ 5.000 đến 10.000 đồng tùy kích cỡ.
Các con của anh Thanh sớm được bố thưởng cho những chiếc đèn dạo chơi trên đường làng. Anh cho biết, tại đây vào đêm trung thu, trẻ em trong làng đốt đèn sáng rực rỡ, cả làng cùng vui múa hát với nhiều cuộc thi hấp dẫn trong khi đón trăng.

Chia sẻ